Chưa phân loại

Chè Shan tuyết cổ nơi thượng nguồn sông Cầu

Trên những đỉnh núi quanh năm mây phủ ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) hiện vẫn còn hơn 600 gốc chè Shan tuyết cổ thụ hiên ngang trước gió sương, vươn mình đón nắng. Lạc bước giữa những cánh rừng chè nằm trên độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mây phủ là một trải nghiệm khó quên.

Một quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Bằng Phúc. (Ảnh ĐẶNG TUYẾT)
Một quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Bằng Phúc. (Ảnh ĐẶNG TUYẾT)

Cách pha trà của người miền núi có lẽ khó tinh tế bằng miền xuôi, nhưng thẩm vị trà thì chắc chắn cũng không phải kém, đồng chí Hoàng Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bằng Phúc chia sẻ. Cũng không có những lời giới thiệu hoa mỹ về nguồn gốc hay cách sao chè ra sao, anh lãnh đạo xã vùng cao này chỉ nhấn nhá: Cứ uống và cảm nhận xem thế nào.

Mầu nước chè Shan tuyết sóng sánh vàng, không xanh như trà Thái Nguyên. Cánh chè Shan luôn phủ một lớp phấn mầu bạc như lớp tuyết, không hoa mỹ, không sang chảnh như những loại chè khác. Cánh chè Shan tuyết xù xì, thô mộc như những gốc chè cổ thụ nằm lẫn giữa sương mờ nhưng “chất” chè Shan ẩn trong cánh chè thì ngọt hậu và luôn khiến người thưởng trà vấn vương. Nhấp một ngụm trà, lắng sâu nơi đầu lưỡi là vị chát rồi sau đó và vị ngọt hậu nơi cuống họng, cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.

Bằng Phúc nằm trên độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, là một trong những xã có địa hình cao nhất của Bắc Kạn. Xã có suối Khuổi Pia, Cap Pe, Tà Làng chảy qua và là một trong những xã thượng nguồn, nơi khởi phát của con sông Cầu, còn gọi là sông Như Nguyệt chảy qua sáu tỉnh về xuôi. Bằng Phúc có các thôn Khuổi Cưởm, Nà Pài, Nà Bay, Nà Quân, Nà Chang, Nà Hồng, Nà Khiếu, Phiêng Phung, thì tất cả các thôn đều có cây chè Shan tuyết hiện hữu.

Người dân Bằng Phúc vẫn trào phúng, tự hào nói rằng Bằng Phúc là xã “ăn chơi” nhất tỉnh Bắc Kạn. Điều này được lý giải bằng việc ngoài cây chè Shan tuyết đặc sản, Bằng Phúc còn có làng nghề nấu rượu và nghề trồng thuốc lá. Nghĩa là rượu, chè, thuốc thì ở Bằng Phúc đủ cả nhưng đều là hàng “có tên, có tuổi” khi những cây thuốc lá ở đây cho lá dài cả mét; rượu thì xuất khẩu sang Nhật Bản còn chè Shan tuyết thì gần như độc nhất, vô nhị ở Bắc Kạn.

Già Hoàng Văn Phuôn, sinh ra và lớn lên với những ngày tinh nghịch trèo leo trên những cây chè, rồi trưởng thành giữa hương chè bát ngát, bồi hồi cho biết: Cũng không biết chè Shan tuyết có tự bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đã thấy những gốc chè cheo leo bên sườn núi. Những thân chè cổ thụ xù xì, mốc thếch, cho lá dày và xanh mướt.

Ban đầu người dân nơi đây không hề biết đây là cây chè Shan tuyết mà chỉ gọi là chè rừng theo cách dân dã nhất. Mãi cách đây khoảng 30 năm, khi có thông tin, hình ảnh về cây chè Shan tuyết ở vùng Tây Bắc thì mọi người mới biết đây là chè Shan tuyết. Theo già Phuôn, cái tên chè Shan tuyết có thể bắt nguồn từ việc búp chè to có phủ một lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết. Sau khi sao, búp chè vẫn phủ một lớp phấn trắng nên gọi là chè Shan tuyết.

Khí hậu ở Bằng Phúc mát mẻ quanh năm, nhưng mùa đông thì cực kỳ lạnh. Sự khắc nghiệt của thời tiết đã kết nên chất tinh túy trong những cây chè cổ thụ nơi đây. Trên những đỉnh núi cao, chạm tay vào những gốc chè bạc phếch gió sương đã có hàng thế kỷ bỗng thấy thời gian như lắng đọng.

Bằng Phúc hiện còn hơn 600 gốc chè cổ thụ đang cho thu hoạch, trong đó có cả những cây có tuổi đời hàng trăm năm, đường kính thân cây to cỡ người ôm, chiều cao vài mét. Để thu hoạch người dân phải trèo hoặc bắc thang, cẩn thận hái từng búp chè đẫm sương vào sớm mai. Hái chè đã gian nan thì sao chè cũng vất vả không kém. Khi chưa có máy móc, những cô gái, bà mế người Tày phải thức đêm sao chè bằng tay trên những chiếc chảo gang. Vừa sao, vừa vò, rồi lại sao, lại vò để cho ra sản phẩm là những cánh chè phủ lớp tuyết mầu bạc. Những năm tháng khó khăn, người dân Bằng Phúc chỉ sao chè đủ dùng cho gia đình. Cũng vì thế những gốc chè thường hay bị lãng quên.

“Số phận” những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Bằng Phúc cũng ba chìm, bảy nổi trước khi con đường độc đạo qua xã được kiên cố hóa. Nhiều thương lái “nhạy bén” thời cuộc thay vì mua chè đã đàm phán mua cả gốc chè. Kinh tế khó khăn, chưa hiểu hết giá trị vô giá của những gốc chè cổ thụ nên nhiều người dân đã đồng ý bán. Theo đó, những gốc chè cổ thụ mọc gần đường, có hình thù kỳ dị được bốc lên ô-tô tải để chở về xuôi. Cơn bão bán gốc chè quét qua khiến cho Bằng Phúc từ chỗ có vô số gốc chè cổ giờ chỉ còn hơn 600 gốc, một sự mất mát quá lớn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Văn Thái nhớ lại, những năm đó, chính quyền phải đi từng thôn tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và dừng việc bán gốc chè. Cũng may mọi việc đã ổn thỏa nếu không cái tên chè Shan tuyết Bằng Phúc sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Trong 5 năm trở lại đây đã không còn gốc chè cổ nào bị “bứng” đi khỏi Bằng Phúc nữa. Điều đặc biệt là những cây chè Shan tuyết này đánh cả gốc đi trồng ở những nơi khác, dù có chăm bón tới đâu cũng không bao giờ có lại được chất cây, chất lá và vị trà như khi nó được nuôi dưỡng bằng chính khí hậu quanh năm mây phủ trên những sườn núi ở Bằng Phúc nữa.

Việc bảo vệ những cây chè cổ thụ ở Bằng Phúc không chỉ riêng người dân Bằng Phúc quan tâm nữa mà cả huyện Chợ Đồn và tỉnh Bắc Kạn đều vào cuộc. Tỉnh Bắc Kạn vừa đánh gốc 96 cây chè Shan cổ thụ đem về trồng tập trung ở Phiêng Phung. Đây là những cây chè đã phải “nhường đất” để thi công dự án đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Để giữ những cây chè này, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các nhà khoa học, ngành chuyên môn cẩn trọng trong việc đánh gốc và chọn vị trí bảo đảm để cây sống. Đến giờ, những cây chè này đã hồi sinh.

Chè Shan tuyết Bằng Phúc đã có thương hiệu và được chắp cánh bay xa đến nhiều vùng trong cả nước. Tiêu biểu là Hợp tác xã Hồng Hà đã mở rộng sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu bài bản. Sản phẩm đưa ra thị trường gồm trà móc câu truyền thống và hai loại trà mới là Hồng trà và Bạch trà có giá bán từ 500.000 đến vài triệu đồng/kg. Hợp tác xã hằng năm thu mua búp tươi của bà con được khoảng 15 tấn, sản lượng sản xuất ra được 2 tấn chè khô. Hay Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng thực hiện dự án liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ chè Shan tuyết với diện tích 15 ha và thu mua búp tươi của 17 hộ dân tham gia liên kết là tám tấn/năm, sản lượng sản xuất ra 1,5 tấn chè khô. Sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã này được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Chè Shan tuyết Bằng Phúc không chỉ hồi sinh mà còn được mở rộng diện tích. Từ năm 2016, huyện Chợ Đồn đã đầu tư dự án thực hiện trồng cải tạo, bổ sung, thâm canh diện tích cây chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc. Cũng trong năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn triển khai dự án Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc. Dự án đã xây dựng được mô hình sản xuất 10 ha vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ 20 ha đưa năng suất tăng từ 194% đến hơn 243%, chất lượng nguyên liệu tốt. Hiệu quả sản xuất nguyên liệu tăng hơn 270% đối với mô hình VietGAP và tăng hơn 214% đối với mô hình hữu cơ.

Đến nay, diện tích chè Shan tuyết của Bằng Phúc đã tăng lên khoảng 500 ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng lên khoảng 600 ha. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất, với lợi thế từ tuyến đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sắp hoàn thành, việc bảo tồn, phát huy cây chè sẽ có hướng mới là gắn với du lịch. Bắc Kạn sẽ triển khai nghiên cứu bảo tồn và phát triển quần thể chè Shan tuyết cổ thụ (Camellia sinensis var.Shan) gắn với du lịch sinh thái tại xã Bằng Phúc.

Theo khảo sát của huyện Chợ Đồn, Bằng Phúc còn 605 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại sáu thôn, trong đó có 433 cây ở ba thôn tập trung. Trong thời gian 36 tháng, các nhà khoa học sẽ tiến hành điều tra, đánh giá xác định quần thể chè Shan tuyết cổ thụ cần bảo tồn; phân loại quần thể, lập hồ sơ phân bố quần thể cây và phương án bảo tồn. Các nhà khoa học cũng sẽ xác định quần thể tiềm năng xây dựng điểm du lịch; nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển quần thể chè Shan tuyết cổ thụ; ứng dụng công nghệ chế biến một số sản phẩm từ quần thể chè Shan tuyết phục vụ du lịch; đào tạo, tập huấn người dân trong bảo tồn, khai thác cây chè Shan tuyết cổ thụ và phát triển du lịch.

Bắc Kạn đặt mục tiêu sẽ xây dựng được ít nhất hai mô hình bảo tồn và phát triển quần thể chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch sinh thái; xây dựng được ít nhất ba sản phẩm chế biến từ quần thể chè Shan tuyết cổ thụ phục vụ khách du lịch; tập huấn ít nhất 120 lượt người dân về bảo tồn, khai thác cây chè Shan tuyết cổ thụ phục vụ phát triển du lịch.

Dự kiến cuối năm 2024, đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sẽ hoàn thành. Trên đường đến thắng cảnh hồ Ba Bể, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những cây chè cổ, trải nghiệm cách chế biến và thẩm vị trà. Những cây chè cổ thụ vì thế sẽ không chỉ được hồi sinh, bảo vệ mà còn làm giàu cho người dân nơi đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *